An ninh nguồn nước
Ông Trần Cường, Phó Trưởng phòng Kỹ thuật SAWACO, minh chứng: “Để tăng cường năng lực kiểm soát chất lượng nguồn nước, SAWACO đã chủ động triển khai các giải pháp ứng phó kịp thời với tình trạng xâm nhập mặn và thiếu nước vào mùa khô, ô nhiễm nguồn nước. Nhờ vậy, những năm qua, vào những thời điểm điều kiện khí hậu khắc nghiệt, hạn hán, xâm nhập mặn gia tăng nhưng lượng nước sạch cung cấp cho người dân vẫn luôn đảm bảo chất lượng.
Không dừng ở đó, SAWACO cũng đã chủ động đề xuất lãnh đạo TP nhiều giải pháp chiến lược nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, cũng như an ninh nguồn nước thông qua việc xây hồ dự trữ nước thô, khai thác nước thô từ 2 hồ đầu nguồn Dầu Tiếng và Trị An.
Một hoạt động khác cũng được ngành nước tập trung là nâng cao năng lực quan trắc, đánh giá, cảnh báo chất lượng nước. Cụ thể, ngành cấp nước đã trang bị hệ thống đo chất lượng nước liên tục (online) tại vị trí khai thác nước thô, giám sát chất lượng nước sạch tại các nhà máy; trong đó, trang bị bổ sung các thiết bị phân tích chất lượng nước hiện đại. Doanh nghiệp này cũng đang triển khai thực hiện ISO 17025 cho các phòng thí nghiệm.
Xu hướng sản xuất thân thiện với môi trường còn thể hiện ở khâu xử lý nước. Theo ông Trần Cường, SAWACO đã thành công trong ứng dụng PAC lỏng làm chất keo tụ, thay thế cho phèn nhôm. “Giải pháp dùng loại hóa chất mới trong xử lý nước không chỉ giúp nâng cao chất lượng, giảm chi phí xử lý mà có thể triển khai tự động hóa hệ thống châm hóa chất tại các nhà máy xử lý nước”, ông Trần Cường phân tích. Ngoài ra, việc trang bị thêm hệ thống máy biến tần tại các nhà máy nước cũng giúp ngành nước điều chỉnh được chế độ vận hành các trạm bơm linh hoạt hơn, phù hợp với yêu cầu của mạng lưới cấp nước, tiết kiệm năng lượng, tối ưu độ vận hành.
Nhiều nghiên cứu về công nghệ xử lý nước mới khác cũng được ứng dụng đã giúp ngành nước mang lại hiệu quả cao, đơn cử như công nghệ lọc sinh học tiếp xúc ngược dòng U - BCF.
Triển khai GIS vào hệ thống cấp nước
Riêng về hệ thống truyền tải và phân phối nước, ngành cấp nước TPHCM đã triển khai thành công GIS vào hệ thống cấp nước TP. Ứng dụng này đã góp phần nâng cao năng lực quản lý tài sản trên mạng lưới cấp nước, hệ thống hóa cơ sở dữ liệu theo hướng tập trung. Nhờ đó, tăng cường khả năng kiểm tra, giám sát, truy xuất, khai thác các nguồn dữ liệu phục vụ có hiệu quả công tác quản lý và vận hành hệ thống cấp nước.
Ngoài ra, SAWACO cũng được biết đến là đơn vị đầu tiên của cả nước ứng dụng thành công giải pháp thi công đấu nối ống nước nhưng vẫn duy trì việc cấp nước ổn định, liên tục cho người dân thành phố bằng công nghệ sử dụng van linestop (cắt tê không ngưng nước). Thực tế đã chứng minh qua công tác di dời đường ống cấp nước DN 2000 - cầu Điện Biên Phủ khi TPHCM thực hiện dự án Vệ sinh môi trường TP lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè vào năm 2010. Từ kinh nghiệm bài học thành công này, hiện SAWACO đã triển khai thực hiện các dự án di dời, sửa chữa đường ống cấp nước khác. Nhờ vậy, trong quá trình thi công đã không còn làm gián đoạn hoạt động cấp nước cho người dân như thời gian trước.
“Những ứng dụng trên chính là tiền đề để từng bước cải tiến hệ thống cấp nước hiện hữu ngày càng tiên tiến, hướng đến việc tự động hóa quy trình công nghệ phù hợp với xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bước tiến về công nghệ mới. Đồng thời, những ứng dụng này cũng giúp đội ngũ cán bộ ngành nước TP tiếp cận các phương pháp nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại của các nước phát triển. Đây cũng là động lực quan trọng thúc đẩy năng lực sáng tạo tại các đơn vị của ngành cấp nước nói chung, trong việc triển khai nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ xanh, thân thiện với môi trường, phù hợp với xu thế phát triển bền vững”, ông Trần Cường chia sẻ.