Hai huyện khó khăn nhất của thành phố là Củ Chi và Bình Chánh cũng đang hoàn thiện hồ sơ để công bố 100% hộ dân được sử dụng nước sạch. Tết này, người dân ở các quận, huyện vùng ven của thành phố sẽ không còn lo lắng việc thiếu nước sinh hoạt như những năm trước.
Những ngày này, người dân xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn rất phấn khởi khi nước từ nhà máy nước Kênh Đông đã được dẫn đến từng nhà. Từ nay, bà con không còn lo lắng phải sử dụng nước giếng khoan nhiễm phèn để tắm giặt, hay phải đi mua từng bình nước suối để ăn, uống như trước đây.
Để có thể cấp nước sạch cho toàn bộ hơn 86.400 hộ dân, huyện Hóc Môn đã huy động nhiều nguồn lực và áp dụng nhiều giải pháp, trong đó có nguồn lực quan trọng từ xã hội hóa. Riêng trong năm nay, huyện này đã hoàn thành cấp nước sạch cho gần 48.300 hộ dân.
Ông Huỳnh Văn Chang, người dân ở ấp Trung Đông, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn nói: "Đây là nguồn nước sạch đảm bảo chất lượng cho người dân ăn uống, sinh hoạt hợp vệ sinh. Trước kia nguồn nước ở đây bị ô nhiễm nặng do chất phèn và nhiễm chì. Bây giờ có nước sạch mình xài thấy tự tin hơn".
Niềm vui của ông Chang cũng là niềm vui của gần 100.000 hộ dân ở các quận, huyện vùng ven Thành phố Hồ Chí Minh được sử dụng nước sạch trong năm nay.
Qua phân tích của ngành y tế thành phố, trong hơn 100 mẫu nước sông, kênh rạch và nước giếng khoan đang được các hộ dân sử dụng tại quận 9, quận Thủ Đức và các huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi đều bị nhiễm vi sinh vật với nồng độ rất cao. Đặc biệt, hơn 97% mẫu nước ngầm ở huyện Hóc Môn có hàm lượng Amoni cao hơn mức cho phép 16,4 lần; độ PH thấp hơn mức cho phép đến 3,75 lần; hàm lượng sắt cao hơn mức cho phép lên đến 60 lần.
Nếu sử dụng nước ngầm tại các khu vực trên để ăn uống, sinh hoạt có nguy cơ gây ung thư và thiếu ô xy trong máu. Vì vậy, việc đưa nước sạch đến với người dân được chính quyền các huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh xác định là nhiệm vụ trọng tâm.
Ông Nguyễn Văn Cảm, Phó Phòng Kinh tế huyện Củ Chi cho biết: "Chúng tôi tiến hành hướng dẫn, tạo điều kiện cho một số người dân, tổ trưởng tổ nhân dân, trưởng ấp và cán bộ xã đến tận nhà máy nước Kênh Đông, nơi cung cấp nguồn nước sạch, để người dân tận mắt thấy, tai nghe, để mọi người tin tưởng và mạnh dạn sử dụng nguồn nước này".
Trong 2 năm 2015-2016, thành phố đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để xây dựng Nhà máy nước Thủ Đức 3, Nhà máy nước Tân Hiệp 2, Nhà máy nước Kênh Đông, nâng cấp các nhà máy nước thuộc Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn để nâng công suất cấp nước của thành phố từ 1,7 triệu m3 nước một ngày, đêm lên 2,57 triệu m3 nước một ngày đêm. Sự đầu tư đó mang lại hiệu quả khi có thêm hơn 18% số hộ dân thành phố được sử dụng nước sạch.
Ông Bùi Thanh Giang, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cho biết: "Chúng tôi phấn đấu đến trước năm 2019 sẽ hoàn thành công tác gắn đồng hồ nước đến từng khách hàng. Trong thời điểm từ nay đến 2019, chúng ta có thể cung cấp nguồn nước sạch cho người dân sử dụng bằng nhiều hình thức như: gắn đồng hồ tổng cho một cụm khách hàng cùng sử dụng; hoặc có thể đặt những bồn chứa nước sạch để cho người dân xung quanh lấy nước sạch về sử dụng".
Việc cung cấp nước sạch của Thành phố Hồ Chí Minh đang gặp khó khăn khi 2 con sông Sài Gòn và Đồng Nai bị nhiễm mặn và cạn kiệt vào mùa khô. Ở một số xã vùng xa, địa bàn rộng thuộc các huyện Cần Giờ, Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè, dân cư thưa thớt khiến việc đưa nước sạch đến từng hộ dân gặp khó khăn. Để khắc phục tình trạng này, nhiều xã đã đặt bồn chứa nước tập trung cho bà con. Tuy nhiên, do số ít người dân chưa quen sử dụng nước máy nên không lấy nước từ các bồn về sử dụng.
Ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: "Thay đổi cái thói quen, tập quán của bà con đã dùng nước giếng khoan bao đời nay sang dùng nước máy cần phải có thời gian, nên cần tăng cường tuyên truyền. Nếu sử dụng nước sạch, thứ nhất là đảm bảo sức khỏe cho gia đình của mình, thứ hai là góp phần bảo vệ môi trường, vì nước khoan lâu ngày sẽ lún sụt các tầng đất, chưa kể nước giếng khoan có thể sẽ bị ô nhiễm".
Thành phố Hồ Chí Minh đang đầu tư xây dựng Nhà máy nước Kênh Đông 2 và Nhà máy nước Thủ Đức 4 để đưa vào sử dụng vào năm 2018, nâng tổng công suất cấp nước của thành phố lên 2,9 triệu mét khối một ngày đêm. Các đơn vị cấp nước phấn đấu đến năm 2019 phát triển mạng lưới đường ống cấp 2, cấp 3 lên 1.551 km. Trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, UBND Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo các ngành chức năng đẩy mạnh công tác xã hội hóa, tháo gỡ khó khăn để đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân./.
Thành Trung/VOV-TPHCM